Triết gia Aristotle
ARISTOTLE (384 - 322 tCN), triết gia và nhà khoa học Hy Lạp, người chia sẻ với Plato và Socrates danh hiệu các triết gia cổ đại nổi danh nhất. Aristotle sinh tại Stagira, Macedonia, con trai của một lương y triều đình. Ở tuổi 18, ông đến Athens học tại Viên Hàn lâm của Plato. Ông lưu lại đây trong khoảng 20 năm, vừa với tư cáchmột sinh viên vừa với tư cách giáo sư. Khi Plato mất năm 347 tCN, Aristotle chuyển đến Assos, một thành phố ở Tiểu Á, nơi bạn ông, Herminas, cai trị. Tại đây ông cố vấn cho Hemlinas rồi cưới Pythias, cháu gái và là con nuôi của ông ta. Sau khi Herminas bị bắt và bị người Ba Tư hành quyết vào năm 345 tCN, Aristotle đến Pella, thủ đô Macedonia, làm gia sư cho hoàng tử Alexander, người sau này được cả thế giới biết tới là Alexander đại đế. Năm 335 tCN, khi Alexander lên làm vua, Aristotle trở lại Athens và lập ra ngôi trường của riêng mình mang tên Lyceum. Bởi vì trong ngôi trường của Aristotle nhiều cuộc tranh luận diễn ra trong lúc thầy và trò đang đi dạo trong sân, nên ngôi trường được mọi người gọi là trường Peripatetic (''tiêu dao'' hay “tản bộ''). Sau khi Alexander mất năm 323 tCN, lòng thù ghét Macedonia lan rộng ở Athens, nên Aristotle buộc phải về sống ẩn dật tại lãnh địa của ông ở Euboea (Evvoia) và mất ở đó vào năm sau
TÁC PHẨM
Cũng như Plato, Aristotle thường sử dụng hình thức đối thoại trong những năm đầu tiên ở Viện Hàn lâm (Academy), nhưng thiếu tài năng sáng tạo của Plato, nên có lẽ ông không bao giờ thấy hình thức đó phù hợp với ông. Ngoài một ít còn lưu giữ được trong tác phẩm của các tác gia hậu thế, những đối thoại của ông bị thất lạc hoàn toàn. Aristotle cũng viết một số ghi chép ngắn về kỹ thuật, như từ điển thuật ngữ triết học và bản toát yếu những lý thuyết của Pythagoras. Chỉ có một số ít trích dẫn của những trước tác này còn tồn tại. Tuy nhiên, những ghi chép thuyết trình của Aristotle đề cập đến hầu như mọi lĩnh vực của tri thức và nghệ thuật vẫn còn được lưu giữ. Những văn bản đem lại tên tuổi cho Aristotle phần lớn dựa trên những ghi chép thuyết trình này và chúng được người đời sau thu thập và sắp xếp lại. Trong số đó có chuyên luận về lôgic, nhan đề Organum (''dụng cụ''), bởi vì chúng cung cấp những phương tiện mà nhờ đó có được tri thức xác thực. Những công trình về khoa học tự nhiên của ông bao gồm Vật lý học, đưa ra một khối lượng thông tin khổng lồ về thiên văn học, khí tượng học, thực vật và động vật. Những trước tác của ông về bản chất, phạm vi và những thuộc tính của hiện thể, mà Aristotle gọi là ''Đệ nhất Triết học'' (Protè philosophia), được đặt tên là Siêu hình học (Metaphysics) trong lần in đầu tiên các tác phẩm của ông (60 tCN?), vì trong lần in đó chúng đi sau Vật lý học. Sự luận giải của ông về đệ nhất động cơ, hay nguyên nhân đầu tiên, cho nó là cái gì thuần túy tinh thần, toàn hảo trong đơn nhất tính, là bất biến, và, như ông nói, là ''tư duy của tư duy'', được trình bày trong Siêu hình học. Ông tặng cho con trai Nicomachus tác phẩm về đạo đức học, nhan đề Đạo đức học của Nicomachus. Các tác phẩm chủ yếu khác của ông bao gồm Tu từ học, Thi pháp và Chính trị học. Hai tác phẩm sau không còn nguyên vẹn.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP
Có lẽ vì chịu ảnh hưởng nghề nghiệp của người cha mà triết học của Aristotle rất nhấn mạnh đến sinh học, trái với Plato nhấn mạnh đến toán học. Aristotle cho rằng, thế giới được tạo thành từ những cá thể (bản thể) xuất hiện trong các loại (loài tự nhiên cố định. Mỗi cá thể có mô hình phát triển loài nội tại của mình và lớn dần hướng đến sự tự thực hiện thích hợp thành một mẫu chủng loại của nó. Sự sinh trưởng, mục đích, và phương hướng do vậy là một phần cố hữu trong tự nhiên. Theo Aristotle, mặc dù khoa học nguyên cứu các loại phổ quát, nhưng các loại này tìm thấy sự tồn tại của chúng trong các cá thể riêng biệt. Khoa học và triết học do đó phải làm cho cân bằng, không đơn giản là chọn lựa, giữa những đòi hỏi của chủ nghĩa kinh nghiệm (quan sát và kinh nghiệm giác quan) và chủ nghĩa hình thức (diễn dịch dựa trên lý trí). Một trong những đóng góp triết lý đặc sắc nhất của Aristotle là ý niệm mới về quan hệ nhân quả. Ông cho rằng, mỗi sự việc hay biến cố đều có hơn một ''lý do'' giúp giải thích nó là gì, tại sao là nó và nó ở đâu ra. Các nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp từng có khuynh hướng mặc nhận rằng, chỉ có một loại nguyên nhân thực sự có thể lý giải được; Aristotle đề xuất bốn nguyên nhân (từ Aristotle dùng, aition, “một nhân tố nguyên ủy, giải thích'' không đồng nghĩa với từ cause theo nghĩa hiện đại). Bốn nguyên nhân này gồm: nguyên nhân chất thể, tức là vật chất mà nhờ đó một vật được tạo thành; nguyên nhân tác thành, tức nguồn vận động, phát sinh, hay biến đổi; nguyên nhân mô thể, tức là loài, loại, hay kiểu; và nguyên nhân cứu cánh, tức là mục đích, hay sự phát triển toàn vẹn của một cá thể, hoặc chức năng định sẵn của một cơ cấu hay một cái gì được tạo ra. Cho nên, một con sư tử nhỏ được tạo thành bởi các mô và các cơ quan, nguyên nhân chất thể của nó; nguyên nhân tác thành là cha mẹ của nó, những người sinh ra nó; nguyên nhân mô thểlà loài của nó, sư tử; và nguyên nhân cứu cánh là xung năng nội tại của nó hướng đến sự biến thể thành một mẫu loài hoàn thiện. Trong những phạm vi khác, bởi vì các nguyên nhân cũng là bốn nguyên nhân đó, nên có thể hiểu theo loại suy. Chẳng hạn, nguyên nhân chất thể của một pho tượng là cẩm thạch mà từ đó nó được tạc thành; nguyên nhân tác thành là nhà điêu khắc; nguyên nhân mô thể là hình dạng mà nhà điêu khắc thể hiện - có thể là Hermes, hoặc Aphrodite; và nguyên nhân cứu cánh là chức năng của nó, trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Trong mỗi phạm vi, Aristotle khẳng định rằng, một cái gì đó có thể dễ hiểu hơn khi các nguyên nhân của nó được nêu lên bằng những thuật ngữ chuyên biệt so với những thuật ngữ phổ quát. Do vậy, biết rằng, nhà điêu khắc tạc nên pho tượng thì hữu ích hơn là biết rằng, một nghệ sĩ tạo ra nó; và biết rằng, Polycleitus chạm trổ nên nó thì thậm chí còn hữu ích hơn thay vì chỉ biết một nhà điêu khắc làm ra nó. Aristotle nghĩ rằng, mô hình nguyên nhân là chìa khóa lý tưởng để tổ chức nên tri thức. Những ghi chép thuyết trình của ông trình bày bằng chứng ấn tượng về sức mạnh của giản đồ này.
NHỮNG LÝ THUYẾT
Một số phương diện chính của tư tưởng Aristotle có thể tìm thấy trong lược thuật các học thuyết hay lý thuyết dưới đây của ông.
A. VẬT LÝ HỌC HAY TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
Trong thiên văn học, Artistotle đề xuất một vũ trụ hữu hạn, có hình cầu, với Trái Đất là trung tâm. Vùng trung tâm được tạo bởi bốn nguyên tố là đất nước, lửa và khí. Trong vật lý học của Aristotle, mỗi một nguyên tố có vị trí thích hợp, được xác định bởi tính nặng tương đối của nó, trọng lượng riêng của nó''. Mỗi nguyên tố chuyển động một cách tự nhiên theo đường thẳng - đất rơi xuống, lửa bốc lên - hướng tới vị trí thích hợp của nó, nơi nó sẽ ngưng nghỉ. Do vậy, chuyển động của Trái Đất luôn luôn là tuyến tính và luôn luôn đi đến chỗ tạm dừng. Tuy nhiên, bầu trời chuyển động một cách tự nhiên và không ngừng nghỉ theo một quỹ đạo hình tròn phức tạp. Vì thế, bầu trời phải được tạo thành bởi một nguyên tố thứ năm, khác hẳn, được gọi là aither. Là một nguyên tố siêu việt, aither không thể có biến đổi gì khác ngoài sự biến đổi vị trí theo chuyển động tròn. Lý thuyết của Aristotle theo đó chuyển động tuyến tính luôn luôn diễn ra thông qua một trung gian cưỡng lại nó thực sự có giá trị đối với mọi chuyển động có thể quan sát được của Trái Đất. Ông cũng cho rằng, những thiên thể nặng hơn của cùng một vật liệu rơi nhanh hơn những thiên thể nhẹ hơn khi chúng có cùng hình dạng, một quan niệm sai lầm được thừa nhận cho đến khi nhà vật lý và thiên văn Ý Galieo tiến hành thực nghiệm cho các vật nặng rơi từ Tháp nghiêng Pisa.
B. SINH HỌC
Trong động vật học, Aristotle đề xuất một tập hợp cố định các loại (“loài'') tự nhiên, mỗi loại sinh sản đúng kiểu. Aristotle nghĩ, một ngoại lệ xảy ra, khi một vài con sâu và con ruồi ''rất hạ cấp” ra đời từ sự thối rữa hay phân bón bởi ''sự sinh sản tự nhiên”. Những vòng đời tiêu biểu là vòng tròn ngoại luân: mẫu hình tương tự lập lại, nhưng thông qua sự nối tiếp tuyến tính. Những tiến trình này, do vậy, là trung gian giữa những vòng tròn bất biến của bầu trời và những chuyển động tuyến tính đơn giản của các nguyên tố thuộc Trái Đất. Loài tạo thành thang độ từ đơn giản (côn trùng và sâu bọ ở dưới cùng) đến phức tạp (con người ở trên cùng), nhưng sự tiến hóa không thể xảy ra.
C. TÂM LÝ HỌC ARISTOTLE
Đối với Aristotle, tâm lý học là khoa học nghiên cứu về linh hồn. Nhấn mạnh rằng, mô thức (yếu tính, hay yếu tố đặc sắc không thay đổi trong một đối tượng và vật chất (nền tảng vô định chung của mọi vật luôn luôn gắn bó với nhau, Aristotle định nghĩa linh hồn là ''một loại chức năng của cơ thể được tổ chức sao cho nó có thể hỗ trợ những chức năng sống''. Xem linh hồn thiết yếu gắn với cơ thể, ông đã thách thức lý thuyết của Pythagoras theo đó linh hồn là một thực thể tinh thần bị cầm tù trong cơ thể. Lý thuyết của Aristotle là sự tổng hợp giữa ý niệm thời cổ đại cho rằng, linh hồn không tồn tại ngoài cơ thể và ý niệm của Plato xem linh hồn như một thực thể riêng biệt, phi vật chất. Có thành phần nào của linh hồn con người bất tử hay không, và nếu có, sự bất tử của nó có mang tính cá nhân hay không, hoàn toàn không rõ ràng trong chuyên luận Về linh hồn của ông. Thông qua chức năng của linh hồn, những phương diện luân lý và trí tuệ của con người đượcphát triển. Aristotle biện luận rằng, trực giác con người trong hình thức cao nhất của nó (nous poetikos, “năng trí'') không bị giản lược thành một tiến trình vật chất cơ học. Tuy nhiên, trực giác đó giả thiết một “thụ trí'' cá lẻ, nó không có vẻ gì vượt hơn bản tính vật chất. Aristotle nêu rõ sự liên hệ giữa trực giác con người và những giác quan mà vai trò của chúng đã được chủ nghĩa kinh nghiệm nêu thành khẩu hiệu - tri thức dựa vào kinh nghiệm giác quan. Ông viết: ''Không có gì có trong trí tuệ mà không có trước hết trong các giác quan''.
D. ĐẠO ĐỨC HỌC
Theo Aristotle, đường như tự do lựa chọn của cá nhân khiến cho sự phân tích tuyệt đối chính xác về những vấn đề con người trở nên bất khả. Do vậy, “khoa học thực hành'', như chính trị học hay đạo đức học, được gọi là khoa học chỉ vì lịch sự và loại suy. Những giới hạn cố hữu đối với khoa học thực hành được nêu rõ trong các khái niệm của Aristotle về bản chất con người và sự tự thực hiện. Bản chất con người, đối với mọi người, chắc chắn liên quan đến khả năng hình thành những thói quen; nhưng những thói quen mà một cá nhân cụ thể tạo ra tùy thuộc vào sự giáo hóa và những lựa chọn riêng tư lập đi lập lại của người đó. Mọi người đều muốn ''hạnh phúc'', muốn những năng lực bẩm sinh của mình được hiện thực hóa một cách tích cực và năng động, nhưng mục tiêu này có thể dạt được bằng vô số cách.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
Organum (Dụng cụ) Physics (Vật lý học) Metaphysics (Siêu hình học) De Anima (Về Linh hồn) Nicomachean Ethics (Đạo đức học của Nicomachus) De Poetica (Thi pháp) Rhetoric (Tu từ học)