Triết gia Plato
CUỘC ĐỜI
PLATO (~428 - ~347 tCN), triết gia Hy Lạp, một trong những nhà tư tưởng sáng tạo nhất và có ảnh hưởng nhất trong triết học Tây phương. Plato sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Athens. Cha ông, Ariston, tương truyền xuất thân từ dòng dõi vua chúa. Perictione, mẹ ông, là bà con xa của nhà lập pháp Solon ở thế kỷ VI tCN. Cha ông qua đời khi ông còn nhỏ, mẹ ông tái giá với Pyrilampes, một chính khách nổi tiếng, cộng sự của Pericles. Plato đã tỏ ra có tham vọng chính trị từ khi còn là một thanh niên, nhưng ông sớm bị vỡ mộng trước đường lối lãnh đạo ở Athens. Khi Plato mới chào đời thì Athens vươn tới trình độ văn minh cao nhất với một lực lượng hàng hải hùng hậu vô song. Nhưng đến khi plato trưởng thành thì những cuộc chiến tranh Péloponèse bùng nổ và kéo dài trên một phần tư thế kỷ mới chấm dứt và chấm dứt một cách thê thảm bằng sự sụp đổ hoàn toàn của quyền lực chính trị Athens. Lực lượng hàng hải hoàn toàn bị tiêu diệt, hậu quả của chiến tranh đẫm máu là mất mùa, đói khát và dịch bệnh. Mọi công việc trong nước từ nội vụ đến ngoại giao đều bị sa lầy trong một tình trạng vô cùng rối ren và đen tối. Thế rồi ngay khi chiến tranh chấm dứt, đảngphái quý tộc lại lên nắm chính quyền với ba mươi bạo chúa. Nhưng thay vì cải thiện đường lối cai trị, đảng phái quý tộc này lại lập tức mở đầu cuộc cai trị bằng áp bức, khủng bố và đổ máu. Đó là những biến cố đã tác động mạnh mẽ lên tâm trí Plato. Hoàn toàn thất vọng với những mưu đồ chính trị tàn ác của ba mươi bạo chúa, Plato đã quyết định rời xa chính trường và trở thành môn đệ của Socrates, tiếp thu triết thuyết căn bản và phương cách tranh luận biện chứng của ông: theo đuổi chân lý thông qua những nghi vấn, nhưng lời giải đáp, và những nghi vấn khác tiếp theo. Plato chứng kiến Socrates chết dưới tay chế độ dân chủ Athens vào năm 399 tCN. Có lẽ lo sợ cho sự an toàn của mình, ông tạm rời Athens, đến sống ở Ý, Sicily và Ai Cập. Năm 387 tCN, Plato sáng lập Viện Hàn lâm ở Athens, một cơ sở giáo dục được coi là trường đại học đầu tiên ở châu Âu. Nó cung cấp một chương trình giảng dạy toàn diện, trong đó có những môn như thiên văn học, sinh học, toán học, chính trị học và triết học. Aristotle là sinh viên ưu tú nhất của Viện này. Để theo đuổi cơ hội kết hợp triết học với chính trị học thực hành, Plato đến Sicily năm 367 tCN để làm gia sư cho nhà vua mới của xứ Syracuse - Dionysius - về nghệ thuật cai trị theo triết học. Cuộc thử nghiệm thất bại. Plato đến Syracuse một lần nữa vào năm 361 tCN, nhưng lần này công việc của ông cũng không mấy thành công. Vào những năm cuối đời ông về lại Viện Hàn lâm giảng dạy và viết các tác phẩm sau cũng. Ông từ trần vào năm 80 tuổi, không vợ không con.
TÁC PHẨM
Các trước tác của Plato đều được viết dưới hình thức đối thoại; những ý tưởng triết học được đề xuất, bàn luận và phán xét trong văn mạch của một cuộc trò chuyện hoặc tranh cãi giữa hai người trở lên. Tập hợp đầu tiên công trình của Plato bao gồm 25 đối thoại và 13 bức thư. Tính xác thực của một số đối thoại và hầu hết các bức thư vẫn còn tồn nghi.
A) NHỮNG ĐỐI THOẠI THỜI TRẺ
Những đối thoại của Plato có thể chia thành ba thời kỳ khác nhau: thời trẻ, trung niên và tuổi già. Đối thoại thời trẻ tiêu biểu cho nỗ lực của Plato muốn truyền đạt triết học và phương pháp biện chứng của Socrates. Nhiều đối thoại của thời kỳ này có chung một khuôn thức. Socrates, chạm trán với một người tự cho rằng, mình hiểu biết sâu rộng, thú nhận mình dốt nát và tìm sự giúp đỡ từ người hiểu biết đó. Tuy nhiên, khi Socrates khởi sự nêu câu hỏi, thì mới vỡ lẽ rằng, con người được coi là thông thái kia thực sự không biết những điều anh ta cho rằng, mình biết, và Socrates hiện ra như một người thông thái hơn vì ít nhất ông cũng biết rằng, ông không biết. Tất nhiên, sự hiểu biết ít ỏi đó là khởi đầu của minh triết. Những đối thoại trong thời kỳ này có thể kể: Chamides (một nỗ lực định nghĩa sự ôn hòa); Lysis (tranh luận về tình bằng hữu); Laches (đi tìm ý nghĩa của đức can đảm); Protagoras (đây là đối thoại dài nhất và phức tạp nhất về mặt tư tưởng và cũng là đối thoại được triển khai rộng rãi nhất, biện minh cho luận điểm đức hạnh là tri thức và có thể học được); Euthyphro (nghiên cứu về bản chất của sự sùng tín); quyển I Republic (tranh luận về lẽ công bằng).
B) NHỮNG ĐỐI THOẠI TRUNG NIÊN VÀ TUỔI GIÀ
Những đối thoại thời trung niên và tuổi già của Plato phản ánh sự phát triển triết học của ông. Những ý tưởng trong các tác phẩm này được hầu hết học giả gán cho chính Plato mặc dù Socrates tiếp tục là nhân vật chính trong đa số các đối thoại này. Những trước tác thời trung niên bao gồm: Gorgias (khảo cứu nhiều câu hỏi đạo đức); Memo (tranh luận về bản chất của tri thức); Apology (Socrates tự biện hộ tại tòa chống lại bản án buộc tội ông vô thần và làm suy đồi giới trẻ Athens); Crito (Socrates biện hộ cho sự tuân thủ luật pháp của nhà nước); Phaedo (mô tả cảnh tượng Socrates bị buộc uống thuốc độc chết, qua đó ông trình bày học thuyết các mô thức, bản chất của linh hồn và vấn đề bất tử); Symposium (một kiệt tác của Plato gồm nhiều phát biểu về cái đẹp và tình yêu); Republic (một tuyệt phẩm trình bày chi tiết về bản chất của sự công bằng). Những tác phẩm cuối đời có thể kể: Theaetetus (sự bác bỏ lý thuyết cho rằng, tri thức đồng nhất với tri giác); Parmenides (sự định giá học thuyết các mô thức); Sophist (nghiên cứu sâu hơn về học thuyết lý tưởng, hay mô thức); Timaeus (những quan niệm của Plato về khoa học tự nhiên và vũ trụ luận); Laws (những phân tích thiết thực hơn về các vấn đề chính trị và xã hội)
HỌC THUYẾT CÁC MÔ THỨC
Trọng tâm triết học của Plato là hệ thống triết lý của ông về mô thức, hay lý tưởng. Xét mộtcách tối hậu, quan niệm của ông về tri thức, học thuyết đạo đức của ông, tâm lý học của ông, ý niệm nhà nước của ông, và thái độ của ông về nghệ thuật phải được tìm hiểu trong hệ quy chiếu của học thuyết này.
A. HỌC THUYẾT TRI THỨC
Học thuyết mô thức và học thuyết tri thức của Plato liên hệ mật thiết với nhau đến mức chúng phải được thảo luận cùng một lúc. Chịu ảnh hưởng của Socrates, Plato tin chắc rằng, tri thức có thể tiếp nhận được. Ông cũng cho rằng, có hai đặc trưng căn bản của tri thức. Thứ nhất, tri thức phải chắc chắn và không thể sai lầm được. Thứ hai, tri thức phải có đối tượng của nó vừa thực hữu vừa trái ngược với đối tượng chỉ có bề ngoài. Bởi vì cái hoàn toàn thực hữu, theo Plato, phải cố định, thường hằng, và bất biến, nên ông đồng nhất cái thực hữu với vương quốc lý tưởng của hữu thể đối lập hẳn với thế giới vật chất của biến thể. Một hệ quả của quan niệm này là sự bác bỏ của Pato đối với chủ nghĩa kinh nghiệm, theo đó nó khẳng định rằng, tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm giác quan. Ông nghĩ rằng, những phán đoán bắt nguồn từ kinh nghiệm giác quan chỉ có tối đa một mức độ khả thể thôi. Chúng không chắc chắn. Hơn nữa, những đối tượng của kinh nghiệm giác quan là những hiện tượng khả biến của thế giới vật chất. Do đó, những đối tượng của kinh nghiệm giác quan không phải là những đối tượng chính đáng của tri thức.
Học thuyết tri thức của Plato được trình bày trong Republic, dặc biệt trong hình ảnh con đường chia đôi và huyền thoại cái hang. Về con đường chia đôi, Plato phân biệt giữa hai cấp độ nhận biết: thường kiến và tri thức. Nhưng quả quyết và khẳng định về thế giới vật chất hay khả giác, bao gồm những quan sát thường tình và những phán đoán khoa học, chỉ là những thường kiến. Một số thường kiến có cơ sở tin cậy; một số khác không có; nhưng cả hai đều không đáng kể so với tri thức thực sự. Cấp độ cao hơn của nhận biết là tri thức, bởi vì ở đó, lý trí thay vì kinh nghiệm giác quan, tham dự vào sự nhận biết. Lý trí, nếu sử dụng thích hợp, sẽ dẫn đến những hiểu biết tinh thần chắc chắn, và những đối tượng của những hiểu biết thuần lý này là những phổ hữu (universal) vĩnh cửu, nhưng mô thức thường hằng hoặc những bản thể tạo dựng nên thế giới thực.
Huyền thoại cái hang mô tả những tù nhân bị xiềng xích trong một cái hang. Bên trong hang, đằng sau đám tù nhân là một đống lửa cháy sáng. Họ hoàn toàn không hay biết là có một thành lũy cao ngang tầm đầu người ngăn giữa họ và đống lửa; phía bên kia thành lũy thường xuyên có người đi qua đi lại, đội trên đầu đủ thứ đồ vật. Cái bóng của những đồ vật này chiếu lên bức vách trước mặt đám tù nhân nhờ ánh sáng của đống lửa. Và tiếng nói của những người mang đồ vật vọng lại từ bức vách này đến tai người tù. Plato viết, thế đấy, những thực thể duy nhất mà đám tù nhân nhận biết và cảm nghiệm trong toàn bộ cuộc tôn sinh của họ chỉ là những cái bóng và những tiếng vọng đó. Trong hoàn cảnh như vậy lẽ tự nhiên họ cho rằng, những cái bóng và những tiếng vọng cấu thành toàn thể thực tại có trên đời này; và lẽ tự nhiên là tất cả những gì họ nói đều liên quan đến thực tại'' này và kinh nghiệm của họ về nó. Được cởi bỏ xiềng xích, một trong những tù nhân đó thoát khỏi cái hang, bước ra thế giới của ánh sáng mặt trời. Và lần đầu tiên anh ta trông thấy thế giới thực. Anh ta quay lại hang thông báo với những tù nhân kia rằng, những gì họ nhìn thấy từ trước đến giờ chỉ là những cái bóng và chỉ là những vẻ bề ngoài; rằng, thế giới thực đang chờ họ ngoài kia nếu họ dám đấu tranh thoát khỏi xiềng xích. Quang cảnh mờ ảo của cái hang, theo Plato, biểu tượng cho thế giới vật chất bề ngoài. Trốn thoát ra khỏi hang để đứng vào quang cảnh đầy ánh sáng mặt trời là động thái biểu tượng cho sự chuyển tiếp vào thế giới thực, thế giới của hữu thế tròn đầy và hoàn hảo, thế giới của những mô thức, đối tượng đích thực của tri thức.
B. BẢN CHẤT CỦA CÁC MÔ THỨC
Học thuyết các mô thức có thể dễ dàng hiểu được bằng ngôn ngữ toán học. Chẳng hạn, vòng tròn được định nghĩa là một hình phẳng bao gồm một chuỗi điểm, mỗi điểm trong chuỗi cách đều một điểm đã cho. Tuy nhiên không ai thực sự từng thấy một hình như vậy. Cái mọi người thực sự từng thấy là những hình vẽ ít nhiều là những cái gần đúng với vòng tròn lý tưởng. Thực vậy, khi các nhà toán học định nghĩa vòng tròn, những điểm được nói tới không phải là những điểm có trong không gian; chúng là những điểm lôgic. Chúng không chiếm chỗ trong không gian. Tuy nhiên, cho dù mô thức của vòng tròn chưa bao giờ được nhìn thấy - quả thực, có thể sẽ không bao giờ được nhìn thấy - các nhà toán học và những người khác thựcsự biết vòng tròn là gì. Việc họ có thể định nghĩa vòng tròn là bằng chứng cho thấy họ biết nó là gì. Do vậy, đối với Plato, mô thức ''tròn'' hiện hữu, nhưng không phải trong thế giới vật chất của không gian và thời gian.
Nó hiện hữu như một đối tượng bất biến trong thế giới của các mô thức hay các lý tưởng, chúng chỉ có thể nhận biết bằng lý trí. Các mô thức có thực tại lớn hơn các đối tượng trong thế giới vật chất vì sự hoàn hảo và ổn định của chúng và vì chúng là những kiểu mẫu, chúng trao cho những đối tượng vật chất thông thường bất cứ thực tại nào chúng có. Cho nên, thể tròn, thể vuông, thể tam giác là những ví dụ hoàn hảo về những gì Plato muốn nói của các mô thức. Một đối tượng tồn tại trong thế giới vật chất có thể được gọi là vòng tròn hay hình vuông chỉ trong chừng mực nó giống với (''tham dự vào” theo cách nói của Plato) mô thức ''tròn'' hay ''vuông'' hay ''tam giác''. Plato mở rộng học thuyết của ông vượt quá phạm vi toán học.
Thật vậy, ông quan tâm nhiều nhất đến việc áp dụng nó vào lĩnh vực đạo đức xã hội. Học thuyết này là cách thức ông giải thích vì sao cũng một thuật ngữ phổ quát có thể liên hệ tới quá nhiều sự việc hay biến cố cụ thể. Từ công bằng chẳng hạn, có thể áp dụng cho hàng trăm hành vi riêng biệt bởi vì những hành vi này có chung với nhau điều gì đó, tức là, sự giống nhau của chúng, hoặc sự tham dự vào đối với mô thức ''công bằng''. Một cá nhân là con người vi rằng, người ấy giống với hay tham dự vào mô thức ''nhân thể''. Nếu nhân thể'' được định nghĩa như một con vật có lý trí, thì một cá nhân là con người vì rằng, người ấy có lý trí. Một hành vi nào đó là can đảm hay hèn nhát vì rằng, nó tham dự vào mô thức của nó.
Một vật là đẹp vì rằng, nó tham dự vào lý tưởng, hay mô thức, của cái đẹp. Mọi vật trong thế giới của không gian và thời gian được nhận diện thông qua sự giống với, hay tham dự vào của nó, đối với mô thức phổ quát của nó. Khả năng định nghĩa thuật ngữ phổ quát là bằng chứng cho thấy con người đã thấu hiểu được mô thức mà với nó cái phổ quát liên hệ tới. Plato quan niệm các mô thức được sắp xếp theo trật tự; mô thức cao nhất là mô thức của thiện hảo, nó giống như Mặt Trời trong huyền thoại cái hang, rọi sáng mọi lý tưởng khác. Có một ý nghĩa theo đó mô thức thiện hảo tiêu biểu cho sự vận động của Plato theo chiều hướng của một nguyên lý tối hậu về sự diễn giải. Một cách sâu xa, học thuyết các mô thức nhằm diễn giải bằng cách nào người ta hiểu biết và đồng thời bằng cách nào các sự vật xuất hiện như chúng vốn là. Trong ngôn ngữ triết học, học thuyết các mô thức của Plato vừa là trí thức luận vừa là bản thể luận
HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ Republic, tác phẩm về chính trị chủ yếu của Plato, quan tâm đến vấn đề công bằng và từ đó quan tâm đến những vấn đề ''công bằng là gì?'' và ai là người công bằng?''. Nhà nước lý tưởng, theo Plato, bao gồm ba giai cấp. Cấu trúc kinh tế của nhà nước do giai cấp thương gia gìn giữ. Nhu cầu an ninh do giai cấp quân đội đáp ứng, khả năng lãnh đạo chính trị do giai cấp triết gia - vua chịu trách nhiệm. Giai cấp của một cá nhân cụ thể được xác định bởi một tiến trình giáo dục bắt đầu từ lúc còn trong bụng mẹ và tiếp diễn cho tới khi con người đó đạt đến trình độ giáo dục tối đa tương thích với sự quan tâm và khả năng. Những người hoàn thành toàn bộ tiến trình giáo dục sẽ trở thành những triết gia - vua. Họ là những người mà tâm trí đã phát triển cao đến mức có thể nhận hiểu được các mô thức và do đó có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất.
Thật vậy, hệ thống giáo dục lý tưởng của Plato được xây dựng chủ yếu nhằm tạo ra những triết gia - vua. Plato liên tưởng những đức hạnh truyền thống của Hy Lạp với cấu trúc giai cấp của nhà nước lý tưởng. Điều độ là đức hạnh duy nhất của giai cấp thợ thủ công; can đảm là đức hạnh chỉ giai cấp quân đội mới có; và minh triết đặc trưng cho những kẻ cai trị. Công bằng là đức hạnh thứ tư, tiêu biểu cho xã hội nói chung. Nhà nước công bằng là nhà nước mà ở đó mỗi giai cấp thể hiện đầy đủ chức năng riêng của mình mà không phương hại đến những hoạt động của các giai cấp khác. Plato chia linh hồn con người thành ba phần: lý trí, ý chí và dục vọng. Con người công bằng là người mà trong anh ta yếu tố lý trí, nhờ ý chí hỗ trợ, kiểm soát được dục vọng. Tương tự như vậy là một nhà nước có cấu trúc ba giai cấp, trong đó những triết gia - vua được quân đội hỗ trợ, điều hành toàn bộ xã hội.
ĐẠO ĐỨC HỌC
Học thuyết đạo đức của Plato dựa trên sự nhìn nhận đức hạnh là tri thức và có thể truyềndạy được, điều đó phải được hiểu trong quy chiếu của học thuyết mô thức của ông. Như đã trình bày trên đây, mô thức tối cao đối với Plato là mô thức của thiện hảo, và tri thức về mô thức này là nguồn gốc hướng dẫn mọi quyết danh đạo đức. Plato cũng biện luận rằng, biết điều tốt là làm điều tốt. Hệ luận của điều này là bất kỳ ai cư xử vô đạo đức đều làm vậy vì không hiểu biết. Kết luận này đến sau xác tín của Plato rằng, con người đạo đức là con người hạnh phúc thực sự, và bởi vì nhưng cá nhân luôn luôn khát khao hạnh phúc cho riêng mình, nên họ luôn luôn khát khao làm điều đạo đức.
NGHỆ THUẬT
Plato đưa ra một quan điểm hết sức thù nghịch về nghệ thuật và nghệ sĩ, mặc dù ông thừa nhận một số loại hình nghệ thuật mang tính tôn giáo và đạo đức. Một lần nữa, cách tiếp cận của ông liên quan đến học thuyết mô thức của ông. Ví dụ một bông hoa đẹp là bản sao hoặc mô phỏng của những mô thức phổ quát “hoa'' và ''đẹp''. Đóa hoa hữu hình kia bị tách một bước khỏi thực tại, tức là những mô thức. Bức tranh vẽ đóa hoa, do vậy bị tách hai bước khỏi thực tại. Có nghĩa là người nghệ sĩ bị tách hai bước khỏi tri thức, và, thực vậy, sự chỉ trích thường xuyên của Plato đối với các nghệ sĩ là họ thiếu tri thức xác thực về những gì họ đang làm. Plato nhận xét, sự sáng tạo nghệ thuật hình như bắt nguồn từ tình trạng điên loạn đầy phấn khích nào đó.
ẢNH HƯỞNG
Ảnh hưởng của Plato đối với lịch sử triết học là rất quan trọng. Sau khi ông qua đời, Speusippus lên điều hành Viện Hàn lâm. Ngôi trường này tiếp tục tồn tại cho đến năm 529 sau Công nguyên, thời điểm nó bị vua xứ Byzantine Justinian I, người phản đối những giáo thuyết vô thần của Plato, đóng cửa. Tác động của Plato đối với tư tưởng Do Thái không thể chối cãi được trong tác phẩm của triết gia xứ Alexandria Philo Judaeus ở thế kỷ I. Học thuyết Tân - Plato, do triết gia Plotinus xây dựng ở thế kỷ III tCN, là sự triển khai quan trọng của thuyết Plato về sau này. Các nhà thần học Clement xứ Alexandria, Origen, và St. Augustine là những người truyền bá Ki-tô giáo sơ kỳ theo viễn quan Plato. Tư tưởng Plato đóng vai trò cốt yếu trong sự phát triển của thần học Ki-tô giáo và cả trong sự phát triển của tư tưởng đạo Islam thời trung cổ. Trong suốt thời kỳ Phục hưng, trọng tâm của ảnh hưởng Plato là Viện Hàn lâm Florence, được thành lập vào thế kỷ XV gần thành phố Florence. Dưới sự điều hành của Marsilio Ficino, các học viên của Viện Hàn lâm nghiên cứu Plato qua tiếng Hy Lạp gốc. Tại Anh, học thuyết Plato được Ralph Cudworth và những người khác hồi sinh vào thế kỷ XVII, họ được biết đến dưới tên gọi trường phái Plato Cambridge. Ảnh hưởng của Plato kéo dài đến thế kỷ XX thông qua các nhà tư tưởng như Alfred North Whitehead, người từng bày tỏ lòng kính trọng Plato bằng cách mô tả lịch sử triết học chỉ là “một loạt những cước chú về Plato''. (Theo một tài liệu khác thì Karl Jaspers, triết gia Đức, cũng phát biểu một điều tương tự.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
Republic, Phaedo, Symposium Timaeus Philebus Apology Crito Parmenides Memo