Triết gia Plotin
TIỂU SỬ PLOTINUS (205 - 270), triết gia cổ đại La Mã, là hạt nhân của giới tri thức và văn chương thành Rome thế kỷ III. Ông được các học giả hiện đại coi là người sáng lập trường phái triết học Plato mới. Nguồn tư liệu quan trọng duy nhất về thân thế của Plotinus là tiểu sử của ông do đồ đệ của ông là triết gia Porphyry viết như lời mở đầu ấn bản các trước tác của Protinus, tập Enneads (tiếng Hy Lạp có nghĩa là sáu loại) mỗi loại gồm chín tiểu luận.
Từ những nguồn tư liệu khác hầu như không thêm được thông tin nào đáng tin cậy vào những gì Porphyry đã kể. Plotinus sinh trưởng ở Lycopolis thuộc miền Thượng Ai Cập. Năm 28 tuổi, ông qua Alexandria để học triết lý với triết gia Ammonius Saccas. Lần đầu tiên nghe Ammonius giảng bài, Plotinus nói đây là người mà tôi đang tìm kiếm'' và theo học ông trong hơn mười năm. Năm 244, ông trở lại Rome và gia nhập đạo quân viễn chinh của Đại đế Gordian III đi chinh phạt Ba Tư, với hy vọng tiếp thu trực tiếp tri thức Ba Tư và minh triết Ấn Độ mà Ammonius thường nhắc tới. Sống sót sau cuộc chinh phạt, năm 245 Plotinus trở về Rome và khai trương một trường phái triết học.
Tư tưởng của Plotinus có nhiều điểm giống một cách kỳ lạ với triết lý tôn giáo Ấn Độ, nhưng thực sự ông chưa bao giờ trực tiếp tiếp xúc với các vị hiền triết Đông phương do cuộc chinh phạt bị thất bại. Mặc dù việc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với những người Ấn Độ được giáo dục trong các truyền thống tôn giáo - triết học của riêng họ là không thể xảy ra trong thế kỷ III ở Alexandria, nhưng sự tương đồng giữa triết học Plotinus và tư tưởng Ấn Độ chắc là sự phát triển tự nhiên của truyền thống Hy Lạp mà ông thừa hưởng.
Việc ông có thể gia nhập đạo quân viễn chinh, việc ông trở về Rome (thường không phải là nơi dành cho một triết gia an cư), và việc 19 năm sau, Porphyry phát hiện thấy ông hiện diện giữa bạn bè và đồ đệ - nhiều người là quý tộc – đã được lý giải (có lẽ không đúng) rằng, ông và gia đình ông có những mối quan hệ thân mật với các vị nguyên lão thành Rome. Theo truyền thuyết, mỗi khi Plotinus giảng thuyết, người ta thấy trí thông minh của ông biểu lộ trên vẻ mặt của ông: những giọt mồi hôi óng ánh chảy trên vầng trán ông... Rất xa với thái độ kiêu ngạo của các ngụy luận gia, buổi thuyết giảng của ông giống như cuộc đàm đạo thân tình.
Danh tiếng của Plotinus lừng lẫy đến nỗi nhiều bạn bè quý tộc của ông khi sắp chết dã phó thác con cái họ cho ông giáo hóa. Vì thế mà, theo Porphyry, ''nhà ông đầy những thanh niên nam nữ''. Như những nhà trầm tư vĩ đại khác, ông dành nhiều thời gian cho mọi người, tham gia vào các cuộc tranh luận của họ (đôi khi rất tầm phào nhưng không đánh mất sự tập trung nội tại của mình. Ông là người tạo ấn tượng đang tiếp cận với vĩnh cửu mà không quên những nhu cầu thường nhật của bạn bè ông
Danh tiếng của Plotinus lừng lẫy đến nỗi nhiều bạn bè quý tộc của ông khi sắp chết dã phó thác con cái họ cho ông giáo hóa. Vì thế mà, theo Porphyry, ''nhà ông đầy những thanh niên nam nữ''. Như những nhà trầm tư vĩ đại khác, ông dành nhiều thời gian cho mọi người, tham gia vào các cuộc tranh luận của họ (đôi khi rất tầm phào nhưng không đánh mất sự tập trung nội tại của mình. Ông là người tạo ấn tượng đang tiếp cận với vĩnh cửu mà không quên những nhu cầu thường nhật của bạn bè ông
THUYẾT PLATO MỚI, ĐƠN NHẤT VÀ LINH HỒN
Thuyết Plato mới (Neoplatonism) là tên gọi hiện đại chỉ một hình thức thuyết Plato được Plotinus phát triển trong thế kỷ III và được những người kế tục ông sửa đổi. Nó chi phối các trường phái triết học Hy Lạp và giữ địa vị thống trị cho đến khi việc giảng dạy triết học của những người ngoại giao chấm dứt vào nửa cuối thế kỷ VI. Nó đại diện cho hình thức chung thẩm của triết học Hy Lạp ngoại giáo. Nó không đơn thuần là sự hỗn hợp các triết thuyết và tôn giáo nhưng là sự triển khai đích thực, mặc dù có hơi phiến diện, các ý tưởng sẽ được tìm thấy trong Plato - mặc dù nó cũng sát nhập những yếu tố quan trọng của tư tưởng Aristotle vàtrường phái Khắc kỷ. Không có bằng chứng rõ rệt về ảnh hưởng Đông phương. Thuyết Plato mới khởi đầu như một triết thuyết phức tạp (và trên vài phương diện còn nhập nhằng nữa) và lớn mạnh trong nhiều hình thức suốt một thời kỳ dài; do vậy không dễ khái quát về nó. Nhưng những ý tưởng chủ đạo trong tư tưởng của các triết gia có thể được xem như những nhà Plato mới dường như luôn bao gồm những điểm sau: 1/ Có nhiều cấp độ hiện hữu, được sắp đặt theo trật tự có thứ bậc đi xuống, thấp nhất là vũ trụ vật chất, nó tồn tại trong không gian và thời gian, và khả giác.
2/ Mỗi cấp độ hiện hữu bắt nguồn từ cấp độ cao hơn của nó, sự bắt nguồn này không phải là tiến trình không gian và thời gian.
3/ Mỗi hiện hữu được xác lập trong thực tại riêng của nó bằng cách quay lại với cấp độ cao hơn của nó trong một động thái trầm mặc.
4/ Mỗi cấp độ hiện hữu là một hình ảnh hay biểu hiện về cấp độ thấp hơn của cấp độ trên nó. Tương quan giữa nguyên mẫu và hình ảnh xuyên suốt mọi hệ thống Plato mới.
5/ Cấp độ của hiện hữu cũng là cấp độ của nhất trí.
6/ Cấp độ cao nhất của hiện hữu và xuyên qua nó tất cả những gì hiện hữu theo cách nào đấy, đều bắt nguồn từ nguyên lý tối hậu, nguyên lý đó tuyệt đối thoát khỏi những tất định và hạn định và siêu vượt tuyệt đối khỏi bất kỳ thực tại khả tri nào, sao cho có thể nói rằng, nó ''vượt trên hiện hữu''.
7/ Bởi vì nguyên lý cao siêu này tuyệt đối đơn giản và không bị tất định (hay không có những đặc điểm cụ thể), tri thức của con người về nó phải khác hoàn toàn với bất kỳ loại tri thức nào khác. Nó không phải là một đối tượng (một vật tách biệt, bị tất định, bị hạn chế) và không có thuộc tính nào áp dụng được cho nó; vì vậy chỉ có thể nhận thức được nó khi nó nâng tinh thần lên hợp nhất trực tiếp với chính nó, mà điều đó không thể tưởng tượng hay diễn tả được.
Như hầu hết các triết gia cổ đại từ Socrates trở đi, Plotinus là người truyền dạy tôn giáo và đạo đức đồng thời là triết gia chuyên nghiệp tham gia lý giải có phê phán truyền thống kinh viện kéo dài và phức tạp. Ông là nhà phê bình và nhà biện giải sắc bén. Triết học đối với ông không chỉ là vấn đề tư biện trừu tượng mà còn là cách sống. Căn cứ trên những hàm ý hoàn hảo nhất của Platon, Plotinus đã triển khai một lý thuyết rất đầy đủ về Đơn nhất như là nguyên tắc cao siêu nhất hay là nguyên nhân tối cao. Theo lý thuyết, Plotinus tỏ ra tin tưởng mạnh mẽ rằng: nguyên lý tối hậu của vạn vật thiết yếu phải là một sự Đơn nhất hoàn hảo. Kinh nghiệm hằng ngày cũng cho thấy rằng, bất cứ sự vật gì cũng hiện hữu nhờ ở sự nhất trí đơn thuần của chúng mà thôi.
Nói cách khác, mỗi sự vật chỉ tồn tại thực sự với điều kiện là chúng không bị tản mát, đa tạp mà phải đơn thuần. nhất trí. Plotinus viết: ''Chỉ nhờ sự nhất trí mà vạn vật mới thực sự là vạn vật. Điều đó vừa đúng với những sự vật mà hiện hữu của nó nguyên khởi mà còn đúng với những sự vật một cách nào đó được kể vào số những hiện hữu. Vì có gì hiện hữu được nếu nó không là một sự vật đơn nhất? Mất đi sự nhất trí, một sự vật không còn là sự vật. Ngay cả ngôi nhà, con tàu cũng đòi hỏi sự nhất trí, tức là một ngôi nhà, một con tàu. Một khi sự nhất trí tan biến thì sẽ không còn gì tồn tại; ngay cả những thành phần liên tục của nó cũng không thể tồn tại nếu không có một sự nhất trí tiềm ẩn trong đó''.
Như thế, chỉ duy một mình cái đơn nhất mới là nguyên lý thu nạp được mọi đa tạp. Vì theo kinh nghiệm, ngoài cái Đơn nhất ra, cái gì cũng đa tạp và do đó cần đến một cái gì ngoài chúng, không thể tự túc để tồn tại được; tất cả những gì đa tạp đều không có khả năng tự túc; hơn nữa, nhưng gì đa tạp đều cần tới những thành tố tạo nên chúng, vì mỗi thành tố ấy chỉ hiện hữu được nhờ ở sự hòa hợp của nó với những cái khác và cảm thấy cần tới những cái khác. Vậy nguyên lý tuyệt đối tự túc sẽ phải là sự Nhất trí tuyệt đối, vì chỉ trong sự nhất trí đó mới có một bản tính mà mọi sự đều cần tới hoặc là tự trong chính mình hoặc là đối với mọi sự vật khác. Nói tóm lại, những sự vật đa tạp thì cần tới cái Đơn nhất nên không tự túc, tự tại được.
Trái lại, chỉ duy có Đơn nhất không cần tới một cái gì ngoài nó, nên mới tự túc, tự tại. Cái Đơn nhất, vì thế, là tuyệt đối vô song, và do đó mới siêu việt trên mọi hữu thể (và tuyệt đối siêu nghiệm). Linh hồn đối với Plotinus rất gần với quan niệm của Plato, là trung gian giữa thế giới trínăng và thế giới cảm giác; một mặt Linh hồn liên hệ với thế giới trí năng vì từ đó mà diễn xuất, và Linh hồn phải quy hồi về thế giới ấy để chiêm nghiệm đời đời; mặt khác Linh hồn liên hệ với thế giới cảm giác vì Linh hồn xây lập trật tự và tổ chức cho nó. Linh hồn được sinh ra bởi Trí năng, cũng như Trí năng được sinh ra bởi Đơn nhất.
Đối với Plotinus, cũng như đối với Plato, tính chất sinh hoạt Linh hồn là chuyển động mà đó là nguyên nhân của mọi chuyển động khác. Sinh hoạt Linh hồn trong chuyển động này là thời gian, và mọi chuyển động vật chất đều tùy thuộc vào nó. Linh hồn vừa hình thành vừa chi phối vũ trụ vật chất từ trên cao; và trong giai đoạn thấp hơn, ở khắp nơi của nó, mà Plotinus thường gọi là tự nhiên, nó hành động như nguyên lý nội tại của đời sống sinh sôi và tạo ra những hình thức thấp nhất, những hình thức cơ thể. Ở dưới những cơ thể này là bóng tối của vật chất, sự vắng mặt chung thẩm của hiện hữu, sự giới hạn tuyệt đối mà ở đó sự giãn nở của vũ trụ - từ cái Đơn nhất đến những cấp độ thu nhỏ của thực tại và những cấp độ tăng lên của vô số - chấm dứt. Vì tính tiêu cực toàn triệt của nó, vật chất đối với Plotinus là nguyên lý của cái ác; và mặc dù ông không thực sự tin nó là nguyên lý độc lập tạo dựng nên, với sự Thiên hảo, một thuyết nhị nguyên, ngôn ngữ ông dùng để nói về nó thường mang màu sắc nhị nguyên rõ rệt. Tuy nhiên, ông thực sự không phải là người theo thuyết nhị nguyên đối với vũ trụ vật chất. Ông khẳng định mạnh mẽ rằng, cái thiện và cái đẹp là hoạt động khả hữu tốt nhất của Linh hồn.
Trong Linh hồn thấy hiện diện mọi sự: trong tri giác của nó thì thấy vũ trụ Tự nhiên; trong tư tưởng của nó thì thấy có Tinh thần, và trong sự thẳng tiến biện chứng của mọi tư tưởng và xuất thần thì có Đơn nhất.