Triết gia Zeno xứ Elea
ZENO XỨ ELEA (495 - 430 tCN), nhà toán học và triết gia của trường phái Elea Hy Lạp, nổi tiếng vì những nghịch biện triết học. Zeno sinh tại Elea, miền Tây Nam nước Ý. Ông trở thành học trò yêu của triết gia Hy Lạp Parmenides và theo ông đến Athens ở tuổi khoảng 40. Tại Athens, Zeno giảng dạy triết học trong vài năm, tập trung vào hệ thống siêu hình học của trường phái Elea. Hai chính khách Athens là Pericles và Callias (nổi lên ở thế kỷ V tCN) theo học ông. Sau đó Zeno lại trở về Elea, và theo truyền thuyết, ông tham gia vào một âm mưu giải thoát quê hương ông khỏi tay bạo chúa Nearchus; âm mưu thất bại và Zeno bị tra tấn dã man, nhưng ông không khai báo những người tòng phạm. Những sự kiện khác trong đời ông không ai biết được.
Chỉ một phần nhỏ các tác phẩm của Zeno còn lưu lại nhưng sách vở của Plato và Aristotle đã cung cấp nhiều tham khảo nguyên văn những gì Zeno viết ra. Về mặt triết học, Zeno tiếp nhận triết tin của Parmenides theo đó vũ trụ, hay hữu thể, là một bản thể đơn nhất, bất phân, một nhất thể, mặc dù có thể nó hiện ra đa dạng đối với cảm giác.
Ý định của Zeno là phản bác các giác quan, một việc ông đã theo đuổi qua một loạt những luận chứng, hoặc những nghịch lý về thời gian và không gian vẫn còn là vấn đề tri thức phức tạp cho tới ngày nay. Một nghịch lý quả quyết rằng, người chạy không thể nào chạy tới đích được bởi vì để làm được điều đó, anh ta phải vượt qua một khoảng cách, nhưng anh ta không thể vượt qua khoảng cách đó mà trước tiên không vượt qua một nửa khoảng cách đó, và cứ như thế đến vô hạn. Bởi vì với một số lượng vô hạn những cái phân đôi hiện hữu trong một khoảng cách có trong không gian, người ta không thể vượt qua bất kỳ khoảng cách nào trong một thời gian hạn hữu, dù khoảng cách ngắn thế nào hoặc tốc độ nhanh thế nào. Luận chừng này, cũng như nhiều luận chứng khác của Zeno, được đưa ra nhằm chứng minh rằng, không thể lý luận gì về sự vận động. Zeno nổi danhkhông chỉ vì những nghịch lý của ông mà còn vì đã sáng tạo ra kiểu chứng lý triết học được thể hiện trong cái nghịch lý đó. Vì thế mà Anstotle gọi ông là người đề xướng ra phép biện chứng.